Hà Lan đầu hàng Trận_Rotterdam

Hệ thống phòng thủ của Hà Lan hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc oanh tạc và căn bản vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng những đám cháy đã bắt đầu đe dọa đến một số vị trí của họ. Quân lính bắt đầu rút lui. Trong khi đó Đại tá Scharroo — bị cô lập hoàn toàn với Hague do tất cả các tuyến liên lạc đã bị phá hủy — phải quyết định số phận của tuyến phòng thủ tại Rotterdam. Viên thị trưởng và ủy viên hội đồng thành phố đã nhất quyết cho rằng thành phố cần phải đầu hàng. Scharroo đã đuổi họ đi. Ông nhận ra rằng quyết định của ông không chỉ định đoạt vận mệnh của Rotterdam, mà có thể của cả đất nước nữa. Sau một thời gian ngắn cân nhắc, Scharroo đã quyết định đầu hàng, và được đại diện trực tiếp của tướng Winkelman, trung tá Wilson, chấp thuận. Wilson sau đó đã truyền đạt lại quyết định của Scharroo, mà ông ta đã đồng ý thay mặt Tổng tư lệnh, đến tướng Winkelman chiều hôm đó, và được Winkelman tán thành.

Đích thân Scharroo cùng viên trợ lý và một viên thượng sĩ đã đến cầu và tuyên bố thành phố đầu hàng. Ông đã gặp tướng Schmidt tại cầu và bày tỏ sự bất bình về việc một sĩ quan cao cấp Đức lại vi phạm lời hứa. Tướng Schmidt, bản thân cũng bị bất ngờ trước hành động của không quân Đức, không thể làm gì khác hơn là trả lời: "Herr Oberst, ich verstehe wann Sie bitter sind" ('Đại tá, tôi hoàn toàn hiểu sự gay gắt của ngài').

Vào khoảng 18h00, những toán lính Đức đầu tiên đã bắt đầu tiến qua thành phố đang bốc cháy. Quân Hà Lan tại Rotterdam không còn chống cự thêm nữa. Họ đã hạ vũ khí theo mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy. Đến tối, quân Đức đã tới làng Overschie, và đụng độ một trận chớp nhoáng với một đơn vị địa phương của Hà Lan không biết có lệnh ngừng bắn, và mất thêm 1 lính SS.[3]

Liên quan